Bí quyết để trở thành người nổi bật khi phỏng vấn
Nhiều nhà tuyển dụng rất thích nói, và bạn nên để họ thể hiện điều đó. Hãy thích ứng với hoàn cảnh.
Bạn được gọi phỏng vấn cho vị trí mà bạn cực kì yêu thích. Chúc mừng bạn! Giờ đây, bạn chỉ có duy nhất một cơ hội để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Đừng quá căng thẳng, không phải chỉ riêng bạn mới cảm thấy lo lắng làm sao để có được sự chuẩn bị tốt nhất và thể hiện thật xuất sắc phần phỏng vấn!
Chuẩn bị, chuẩn bị và chuẩn bị
Tất cả mọi ứng viên đều biết họ cần xuất hiện ở buổi phỏng vấn với tâm thế đã chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, hầu hết các nhà tuyển dụng cho rằng ít khi nào có ứng viên chuẩn bị kỹ lưỡng tất cả các thông tin cần thiết cho cuộc phỏng vấn. Bạn nên tìm hiểu càng nhiều càng tốt về công ty, cách thức tổ chức, văn hóa doanh nghiệp, những xu hướng trong ngành nghề, và có thể là một vài thông tin về người phỏng vấn. Ngoài ra, bạn cũng nên nghiên cứu các thử thách của công việc. Điều này giúp giúp bạn vạch ra những năng lực cần thể hiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Lên chiến thuật
Trước khi bước vào phòng phỏng vấn, hãy quyết định 3 hay 4 thông điệp mà bạn muốn chuyển tới người phỏng vấn. Những thông điệp này nên cho thấy sự liên kết giữa những thành tích bạn đạt được và những gì cần phải có để thành công trong công việc cụ thể. Một trong những cách tốt nhất để làm việc này là kể chuyện. Người ta thường bị thu hút vào những câu chuyện hơn là các dẫn chứng hay số liệu. Câu chuyện của bạn phải thật súc tích và thú vị. Hãy chắc rằng phần dẫn nhập của bạn có đủ sức lôi cuốn, ví dụ: “Sau đây, tôi sẽ kể tình huống tôi gần như đã cứu công ty của mình khỏi 1 bàn thua như thế nào.” Hãy nắm rõ câu chuyện của mình như lòng bàn tay, biết cách mở đầu và kết thúc câu chuyện để có thể tường thuật thật trôi chảy, tránh va vấp khi kể chuyện hay kể như đang tua băng. Bất cứ lúc nào có thể, hãy dùng câu chuyện của mình để trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng.
Nhấn mạnh đến tiềm năng của bạn
Không có ứng viên nào là hoàn hảo, và bạn cũng không phải là ngoại lệ. Hãy tập trung vào những tiềm năng của bạn thay vì cố biện hộ cho những điểm yếu trong CV hay để nhà tuyển dụng xoáy vào những hạn chế này. Dù những thành tích trước đây không liên quan trực tiếp đến công việc đang ứng tuyển nhưng lại thể hiện khả năng học hỏi và thích ứng của bạn, bạn vẫn nên trình bày trong cuộc phỏng vấn. Tiềm năng của ứng viên vẫn là một chỉ số đáng được quan tâm khi nhà tuyển dụng xét về khả năng hoàn thành công việc trong tương lai. Ví dụ, bạn đang phỏng vấn cho một vị trí làm việc quốc tế nhưng lại không có nhiều kinh nghiệm làm việc với các đối tác nước ngoài, bạn có thể mô tả khả năng ảnh hưởng của mình khi làm việc ở một vị trí có tương tác với nhiều phòng ban, như giữa phòng Kinh doanh và phòng Sản xuất. Hãy chứng minh bạn có thể làm tốt khi phối hợp với nhiều người với nhiều văn hóa khác nhau.
Ghi điểm trong 30 giây đầu tiên
Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Ấn tượng của nhà tuyển dụng về cá tính và sự thông minh của bạn được thiết lập trong vòng 30 giây đầu tiên của cuộc phỏng vấn. Cách bạn bước vào phòng, vẻ thoải mái tự tin của bạn, cách bạn nói chuyện thật sự rất, rất quan trọng. Những ứng viên thể hiện tốt nhất trong cuộc phỏng vấn thường nói chậm rãi, rõ ràng, bước đi tự tin. Bạn có thể tập dượt cách đi vào phòng một vài lần, thậm chí ghi hình và phát lại với phần âm thanh được tắt để bạn có thể thấy rõ cách mình thể hiện và tự điều chỉnh. Phương pháp tương tự cũng được áp dụng với phỏng vấn qua điện thoại. Bạn cần tận dụng thật tốt 30 giây đầu tiên để trình bày bản thân thật bình tĩnh, tự tin.
Hãy sẵn sàng cho những câu hỏi khó
Nhiều ứng viên lo lắng không biết phải giải thích như thế nào về một khoảng ngừng trong CV của họ, hay “chứng tích” nhảy việc, hoặc nhiều hạt sạn khác trong hồ sơ. Một lần nữa, sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ rất hữu ích cho bạn. Với những câu hỏi khó, đừng chỉ chuẩn bị một câu trả lời duy nhất, thay vào đó, bạn cần có 3 bước “phòng thủ”. Đầu tiên, hãy có một câu trả lời đơn giản, thẳng thắn, đừng đi quá sâu vào chi tiết. Sau đó, hãy dự phòng thêm hai câu trả lời nữa để phòng trường hợp nhà tuyển dụng hỏi sâu hơn, bạn sẽ không bị bối rối khi phải giải thích nhiều hơn. Ví dụ, nếu bạn không hoàn tất một văn bằng mà bạn cảm thấy không hữu ích cho công việc, câu trả lời đầu tiên của bạn có thể là: “Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu bắt đầu ngay công việc.” Nếu nhà tuyển dụng tiếp tục hỏi về điều này, hãy sẵn sàng để đưa ra nhiều chi tiết hơn: “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này. Tôi biết việc bỏ học giữa chừng sẽ tạo ra những ấn tượng không tốt, tuy vậy, tôi thực sự cho rằng mình sẽ tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn khi thực tế trải nghiệm công việc.” Điểm mấu chốt là đừng đưa ra những câu trả lời có thể khiến nhà tuyển dụng xoáy sâu hơn đến lúc bạn không thể trả lời được câu hỏi của họ.
Hãy linh hoạt
Kể cả khi bạn nghĩ mình đã chuẩn bị rất tốt, bạn vẫn không thể lường trước được cuộc phỏng vấn sẽ như thế nào. Bạn cần luôn để ý đến tình huống thực sự đang diễn ra. Một ứng viên giỏi sẽ biết cách biến hóa tùy theo hoàn cảnh. Hãy luôn tự hỏi: Mình có nên đưa ra câu trả lời tốt hơn hay không? Mình có cần điều chỉnh giọng nói hay không? Mình có nên im lặng một chút không? Nhiều nhà tuyển dụng rất thích nói, và bạn nên để họ thể hiện điều đó. Hãy thích ứng với hoàn cảnh.
Khi cuộc phỏng vấn diễn ra theo chiều hướng xấu
Dù bạn đã cố gắng, sẽ có những lúc buổi phỏng vấn diễn ra không như bạn mong đợi. Có thể người phỏng vấn không chú ý đến phần trả lời của bạn, hay do bạn sẩy chân ở một vài câu hỏi quan trọng. Đừng tự dằn vặt mình, thay vào đó, hãy chú ý đến câu hỏi bạn đang trả lời. Không tập trung vào câu hỏi hiện thời của nhà tuyển dụng mà lại lo lắng về phần trả lời trước đó chắc chắn sẽ khiến bạn lạc hướng. Tôi khi, bạn có thể điều chỉnh cuộc đối thoại bằng cách nhận thức rõ tình huống. Bạn có thể nói: “Tôi không chắc mình đã trả lời đúng thông tin anh/chị cần hay chưa” và xem phản ứng của người tuyển dụng như thế nào.
Leave a Reply